Ops, bạn không thể download hình ảnh từ trang này

How To Make The Jump From Amateur To Professional Photographer 

Bài này Travis Media dịch từ Blog của NAG Justin Mott và có thêm một vài ý kiến cá nhân dựa trên kinh nghiệm bọn mình làm việc trong mảng nhiếp ảnh thương mại.

Link bài gốc tại đây.

Tài năng không phải là tất cả.

Mott không phải là sinh viên giỏi nhất hay nổi bật nhất thời còn đi học nhưng anh ấy luôn rèn luyện, nỗ lực học hỏi để trở nên giỏi hơn. Đừng để những chuyên gia nói với bạn rằng tài năng là yêu cầu cao nhất. Không đâu, NAG chuyên nghiệp cũng như các nghề khác, làm việc cật lực để được trả tiền.

Travis Media: điều này đúng, nếu bạn có tài năng bạn sẽ học hỏi và làm việc nhanh hơn những người khác. Chấm hết, còn lại đều là sự chăm chỉ rèn luyện và kỉ luật với bản thân.

Sự cam kết.

Đừng để các cuộc thi/giải thưởng trở thành thước đo của bạn.

Hầu hết khách hàng của Mott chưa bao giờ hỏi anh ấy về các cuộc thi nhiếp ảnh hay giải thưởng. Họ không quan tâm điều đó. Hãy cho họ những giải pháp cụ thể, hữu ích về các vấn đề họ đang mắc phải và bạn giải quyết được nó.

Travis Media: bọn mình bổ sung thêm vấn đề này, nhiếp ảnh thương mại là kinh doanh nên bạn phải đưa ra được những giải pháp để giải quyết vấn đề của khách hàng, mang tới nhiều giá trị hơn nữa cho khách hàng của mình, đó là mấu chốt chứ không phải các giải thưởng là mấu chốt trong thời gian đầu. Tuy nhiên khi sản phẩm của mình đạt đến một trình độ nhất định và được công nhận bởi khách hàng, họ sẵn sàng trả tiền cao cho chất xám của bạn thì việc có thêm các giải thưởng uy tín là điểm cộng cho thương hiệu của bạn. Giải thưởng giúp bạn tốt hơn, tự tin hơn và uy tín hơn trong mắt khách hàng chứ nó không phải là thước đo cho công việc của bạn.

Chụp bất kì lúc nào kể cả khi bạn không được trả tiền để chụp.

Tôi không khuyên các bạn ra ngoài và làm việc miễn phí, tuy nhiên hãy tập luyện bất kì lúc nào có thể, nếu đã xác định được thể loại mình yêu thích và khách hàng có nhu cầu thì hãy đào sâu về kĩ năng và chỉn chu hơn nữa khi ra sản phẩm.

Travis Media: những ngày đầu với công việc này, kĩ năng hạn chế, mối quan hệ không có, khách hàng chưa biết tới bạn là ai thì bọn mình cũng rơi vào vòng xoáy của việc chụp miễn phí để có Portfolio đẹp, có mối quan hệ. Việc này không có đúng sai, nó chỉ phụ thuộc vào cá nhân của mỗi Photographer, mỗi Team và hoàn cảnh lúc đó thôi. Các bạn có thể cân nhắc, đắn đo, đưa lên hạ xuống giữa lợi ích hay rủi ro nếu quyết định như trên. Đã quyết định là không hối hận.

Có một Website để show Portflio

Thư viện ảnh trên Facebook, tài khoản Flickr hay Instagram đều không phải là trang web, đó chỉ là nơi bạn có hình ảnh. Trang web của bạn là nơi bạn trình ra những sản phẩm, dịch vụ của mình trong các thể loại ảnh nhất định. Nó có thông tin liên hệ, giới thiệu về bạn, tốt nhất nên có thêm một logo đơn giản trên ấy. Tôi không xem thường những tài khoản trên các mạng xã hội, đó là cầu nối để khách hàng biết về web của bạn và sau đó là thuê bạn chụp ảnh.

Travis Media: điều này hoàn toàn đúng nếu bạn đang theo đuổi để trở thành một NAG chuyên nghiệp.

Thiết bị

Thiết bị rất quan trọng, nhất là với những thiết bị công nghệ cao cấp, nó sẽ giúp cho việc chụp ảnh dễ dàng hơn và chất lượng hơn, tuy nhiên cái máy ảnh tốt nhất là máy ảnh mà bạn đang có, hãy sử dụng thật tốt các chức năng của nó cộng với việc nâng cao kĩ năng của cá nhân bao gồm cả việc chụp ảnh và hậu kì. Khách hàng trả tiền cho sản phẩm chứ không trả tiền cho cái máy ảnh của bạn. Nhưng nhớ giùm thiết bị càng tốt thì bạn mang đến cho khách hàng càng nhiều giá trị hơn.

Travis Media: thiết bị đắt tiền hay rẻ tiền hơn nó phụ thuộc vào mục đích kinh doanh của bạn và kĩ năng bạn đang có. Nhưng hãy nhớ thiết bị tốt sẽ giúp bạn được nhiều thứ trong đó có chất lượng hình ảnh và thời gian thực hiện.

Hãy đối xử với bản thân như một doanh nhân.

Khi mới bắt đầu một công ty, bạn sẽ là người làm hết mọi thứ từ sale, marketing, chụp ảnh, hậu kì, vận chuyển, kế toán….Hiểu về hoá đơn, kế toán, tài chính ở mức cơ bản.

Travis Media: nếu bạn chụp ảnh chỉ vì đam mê, sở thích. Ok bạn chỉ cần rèn luyện kĩ năng nhiếp ảnh sao cho giỏi nhất. Nếu bạn chụp ảnh vì đam mê, sở thích và cả kiếm tiền thì hãy học thêm về kinh doanh, quảng cáo, kế toán, thuế, tài chính...Lúc này đây bạn đang bán một sản phẩm và cần có người mua nó, nếu chỉ biết chụp ảnh thôi thì hãy giữ nó là sở thích, đừng biến nó thành thương mại.

Cam kết

Đây là lần thứ hai tôi nhắc đến từ này, bạn phải cam kết không được: bỏ cuộc, gian dối, làm sản phẩm kém chất lượng…chắc chắn sẽ có những thời điểm rất tệ, chán nản hoặc nghi ngờ chính khả năng của mình. Quên nó đi, tập trung vào những mặt tích cực như rèn luyện thêm kĩ năng, học hỏi những cái mới.

Travis Media: bọn mình cũng đã có những thời điểm vấp phải những vấn đề nêu trên, nhận ra sớm, sửa sai và cầu tiến hơn giúp bọn mình vẫn đứng vững sau 3-4 năm đi vào con đường nhiếp ảnh thương mại.

Don’t be an Ass

Sẽ có những trường hợp như thế này xảy ra bạn được yêu cầu chụp ảnh miễn phí, chụp với chi phí rất thấp hoặc có thể bị sỉ nhục…Bình tĩnh, hãy hiểu giá trị của bản thân, hiểu nhu cầu của thị trường, lịch sự giải thích chi phí của bạn tại sao lại có giá đó và những giá trị thiết thực bạn mang lại cho khách hàng.

Travis Media: cái nào cũng có giá trị của nó. Giá trị nó sẽ đến từ hai phía: sự công nhận của khách hàng và quan trọng hơn là thái độ của bạn. Nghiêm túc, chính trực, chỉn chu và tận tâm trước thì bạn sẽ có vế thứ hai đến từ khách hàng.

Đừng mong đợi nó dễ dàng.

Bất kì công việc nào cũngđều có khó khăn của nó, NAG cũng không là ngoại lệ, người ngoài nhìn vào chỉ thấy bạn cầm máy ảnh bấm bấm vài tấm thôi sao mà giá cao thế. Như Mott nói thì anh ấy thấy rất nhiều NAG hoặc nghệ sĩ là những người lười biếng nhất mà anh biết, họ rảnh rỗi ngồi chém gió, bàn tán việc cá nhân người khác. Còn khi Mott không đi chụp thì phần lớn thời gian của anh ấy sẽ dành cho sale, marketing, nghiên cứu, học hỏi…

Travis Media: Có thể mất từ 2-3 năm hoặc nhiều hơn để bạn gầy dưng tên tuổi của mình trong lĩnh vực này và để khách hàng biết tới mình. Luôn cập nhật kiến thức, kĩ năng để đón đầu những cơ hội lớn hơn trong nghề nghiệp của mình. Thành công chỉ 1% là may mắn, 99% là khổ luyện mà.

Gọi vốn

Đừng dựa vào tiền của người khác để bắt đầu sự nghiệp của bạn, hãy bắt đầu bằng tiền của mình, làm việc và tiết kiệm sau đó tái đầu tư vào bản thân. Hãy đảm bảo bạn sống được với công việc của mình trước đã rồi mới bàn tới những chuyện khác. Như tôi đây khởi đầu gần 2 năm trước bằng tiền tiết kiệm của mình, làm việc và tái đầu tư, số tiền đầu tư hiện giờ cũng lên tới gần 200tr rồi nhưng chắc chắn nó vẫn chưa dừng lại.

Travis Media: Gọi vốn là chuyện hết sức bình thường trong kinh doanh. Tuy nhiên trước khi cầm tiền từ người khác thì bạn phải mạo hiểm với tiền của mình đã. Tiền của mình mà sử dụng không hiệu quả, không nghiêm túc thì chẳng ai dám trao tiền cho bạn đâu.

Hiểu thị trường và đối thủ cạnh tranh.

Đây là vấn đề rất quan trọng đối với công việc của bạn, hãy nhìn vào các NAG cùng chung phân khúc khách hàng, sản phẩm của bạn, nhìn xem họ đang làm thương hiệu, tiếp thị như thế nào. Hãy đặt câu hỏi tại sao họ có nhiều khách trong khi mình vắng dù sản phẩm chất lượng là tương đương, trả lời được câu hỏi đó thì bạn mới có thể kinh doanh tốt hơn. Mott không nói các bạn sao chép giống như họ, mỗi người sẽ có cách thực hiện khác nhau.

Travis Media: một vấn đề khá nhức đầu và bọn mình cũng đang cố gắng giải từng bước một đây.

Thông báo cho mọi người biết bạn là một NAG

À không phải cái kiểu là phóng ngay ra đường, hét vào mọi người rằng tôi là NAG chuyên nghiệp, hãy thuê tôi. Khi gặp gỡ mọi người hãy tự giói thiệu mình là NAG chứ không phải là hợp tác với bên này bên kia một cách nửa vời. Muốn người khác nhìn bạn với tư cách là một NAG thì chính bạn phải nhìn bạn như vậy đã. Tôn trọng bản thân mình trước. Làm như thế trên các mạng xã hội.

Travis Media: hoàn toàn đồng ý.

Travis Media Team

Comments are closed.

Call Now Button